Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

Nói như thế này thì hay thật đấy ngài TS !!!


"Bình Ngô đại cáo" không phải của Nguyễn Trãi?

(GDVN) - TS Đỗ Văn Khang khẳng định: "Bình Ngô đại cáo" không phải của Nguyễn Trãi vì xét về văn bản và lịch sử thì cuộc khởi nghĩa Lũng Nhai năm 1416 không có Nguyễn Trãi. Lúc đó, Nguyễn Trãi đang bị giam giữ ở Đông Quan...

Trong văn học có những hiện tượng văn học sử trải qua hàng trăm năm nhưng vẫn có thể tìm ra những thiếu sót để chỉnh sửa, bởi vì giáo dục là phải khoa học Chân - Thiện - Mỹ. Với tinh thần đó, Lưỡng quốc Tiến sĩ Đỗ Văn Khang (Nguyên Giảng viên ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn) đã chỉ ra rằng: "Bình Ngô đại cáo" không phải của Nguyễn Trãi.

Từ trước tới nay, chúng ta đều quan niệm: "Bình Ngô đại cáo" là bài cáo của Nguyễn Trãi viết bằng chữ Hán vào mùa xuân năm 1428, tuyên cáo kết thúc cuộc kháng chiến chống Minh, giành lại độc lập cho Đại Việt. Về mặt văn chương, tác phẩm được người đương thời, ngay cả hậu thế, đều rất thán phục và coi là thiên cổ hùng văn. Có nhiều ý kiến cho rằng: Đây được coi là bản tuyên ngôn độc lập thứ 2 của Việt Nam.


Chân dung Nguyễn Trãi.















TS Đỗ Văn Khang cho rằng, đối với "Bình Ngô đại cáo" thì Nguyễn Trãi chỉ là người thảo văn bởi ông là thư ký bậc cao, Lê Lợi mới là người làm nên tác phẩm. Chắc chắn ngày xưa, Nguyễn Trãi mà tự coi mình là chủ nhân của Bình Ngô đại cáo thì sẽ mắc tội “khi quân”. Bởi vì ông là người luôn luôn tuân theo đạo lý: “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần”


TS Đỗ Văn Khang cho biết: Cho đến nay vẫn chưa tìm thấy văn bản gốc của "Bình Ngô đại cáo". GS Nguyễn Huệ Chi cũng chỉ xác định bằng hai chữ "có lẽ" in lần đầu tại Đại Việt sử ký toàn thư do Ngô Sĩ Liên biên soạn vào năm Hồng Đức thứ 10, tức là năm 1479. Như thế về văn bản, khoảng 59 năm thất lạc từ sau vụ án Lệ Chi Viên đến tay Ngô Sĩ Liên đã không còn nguyên gốc. Trong tình trạng đó, theo TS Đỗ Văn Khang rất khó để đi theo văn bản học, nhưng có một cách khác là đi theo "Hệ hình tư tưởng phương Đông". Vì mỗi một thời đại thuộc Đông hay Tây đều có phạm trù chuẩn.

TS Đỗ Văn Khang khẳng định: "Bình Ngô đại cáo" không phải của Nguyễn Trãi vì xét về văn bản và lịch sử thì cuộc khởi nghĩa Lũng Nhai năm 1416 không có Nguyễn Trãi. Lúc đó, Nguyễn Trãi đang bị giam giữ ở Đông Quan với câu trong bài thơ Nôm:

Góc thành Nam lều một gian
No nước uống thiếu cơm ăn.
Nhưng ở trong “Bình Ngô đại cáo" mở đầu như sau:

Ta đây:
Núi Lam Sơn dấy nghĩa
Chốn hoang dã nương mình
Hơn nữa, ý kiến cho rằng: “Nguyễn Trãi đã được Lê Lợi cho phép thay mặt nhà vua công bố Bình Ngô đại cáo” là không có cơ sở. Nếu viết theo kiểu “cho phép” thì văn chương phải khác, Nguyễn Trãi không thể xưng “ta” tới mười lần trong Bình Ngô đại cáo, bởi chỉ một lần xưng “ta”, Nguyễn Trãi có thể đã bị mất đầu.
Lại nữa, Lê Lợi không thể ưu ái Nguyễn Trãi mà cho phép Nguyễn Trãi làm vậy vì còn kỷ cương còn các quan trong triều, còn lễ giáo của đạo Khổng:
Quân quân - Vua ra vua
Thần thần - Bề tôi ra bề tôi
Phụ phụ - Cha ra cha
Tử tử- Con ra con
Bề tôi mà xưng ra vua thì có mà thành “Đảo chính”.
Xét về vị thế để công bố "Bình Ngô đại cáo" thì chỉ có Lê Lợi, vì đó là sự nghiệp, công lao, thành tựu của ngài. Về tài năng, Lê Lợi là một vị vua lập ra vương triều Lê hưng thịnh, ngài là người quyết đoán, không chỉ giỏi việc võ mà còn có tài văn chương. Ngài từng sai Nguyễn Trãi làm sách: “Nam Sơn thực lục” rồi tự làm Bài tựa ký tên là: "Lam Sơn Động Chủ".


Khi làm thủy điện Hòa Bình trên vách đá Thác Bở thuộc xã Hào Tráng, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình người ta đã phát hiện ra một bài thơ nổi tiếng của Lê Thái Tổ khắc vào năm Thuận Thiên thứ năm (1432). Gần đây khi làm thủy điện Sơn La, dân ta phát hiện thêm một bài thơ nữa của Lê Thái Tổ khắc trên vách đá núi cao thuộc xã Lê Lợi, huyện Xìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Tiếp đó là bài thơ: “Khắc vào đá để răn hậu thế Man tù ương ngạnh khó giáo hóa”.
Ngoài ra, từ xa xưa trong Hoàng Việt thi tuyển (1788), Học giả Bùi Huy Bích chọn ba bài thơ của Lê Lợi vào truyển tập của ông. Như vậy một người có văn võ toàn tài, lại chủ động quyết đoán, không lẽ "Bình Ngô đại cáo" lại không có chữ nào của ngài trong đó.

Vậy là "Bình Ngô đại cáo" xét một cách khoa học chỉ có thể là của Lê Lợi. Nhưng xét về quan hệ vua tôi giữa Lê Lợi và Nguyễn Trãi gắn bó và trình độ văn chương của Nguyễn Trãi có thể nói đạt đến mức độ điêu luyện thì "Bình Ngô đại cáo" phải ghi tên hai người: "Bình Ngô đại cáo" của Lê Lợi do Nguyễn Trãi thảo.


Qua cuộc trao đổi này, TS Đỗ Văn Khang mong muốn các bậc hiền minh của nước nhà hãy xem xét để chỉnh sửa lại cho đúng sự thật, y như cuộc trao đổi nghiêm túc kéo dài nhiều năm để đi tới kết luận không dễ dàng rằng: Nam Quốc Sơn Hà không phải của Lý Thường Kiệt.
TS Đỗ Văn Khang cho rằng có những hiện tượng sai tới hàng thế kỷ, cuối cùng trí tuệ Việt Nam cũng tìm cách xác định và mạnh dạn sửa chữa, cho dù có phải công phu nhưng sự thật vẫn là cái giá cao quý nhất và được những người chân chính ủng hộ. Về chủ nhân của "Bình Ngô đại cáo" chắc chắn cũng nằm trong quy luật đó.

TS Đỗ Văn Khang nhận định, đề tác giả của "Bình Ngô đại cáo" như vậy là đã sai gần 6 thế kỷ qua. Và cái khó trong vấn đề sửa chữa này là bởi "Bình Ngô đại cáo" liên quan đến sự kiện năm 1980, UNESCO công nhận ông là Danh nhân văn hóa thế giới. Điều này đã khiến tên tuổi ông được nhiều học giả trên thế giới biết đến và hiểu sâu sắc hơn về nền văn hóa đồ sộ của Việt Nam.


Thế nhưng, nhà văn Mỹ nổi tiếng Mark Twain đã từng nói: “Sự thật là điều đáng quý giá nhất mà chúng ta có được. Hãy tiết kiệm nó”. Vì vậy, không nên để hàng chục triệu học sinh suốt từ Nam chí Bắc, từ miền biển lẫn miền núi, từ thế hệ này đến thế hệ khác vẫn tiếp tục sai.

http://diendan.lyhocdongphuong.org.vn/bai-viet/27662-binh-ngo-dai-cao-khong-phai-cua-nguyen-trai/

 Văn chương trong Bình Ngô đại cáo là của Nguyễn Trãi


26-09-2012 | 10:58
(Nguoiduatin.vn) - Theo PSG Trần Nho Thìn, vấn đề được Tiến sỹ Đỗ Văn Khang nêu ra thực chất không có gì mới mẻ.

Hôm qua, dư luận trong cả nước đã xôn xao khi tiến sỹ Đỗ Văn Khang (nguyên Giảng viên Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội) đăng đàn khẳng định tác phẩm được coi như bản tuyên ngôn độc lập thứ hai của nước Việt Nam, Bình Ngô đại cáo không phải của danh nhân văn hoá Nguyễn Trãi. Để rộng đường dư luận, PV Người đưa tin đã có cuộc trao đổi cùng PGS Trần Nho Thìn, Phó chủ nhiệm bộ môn Văn học trung đại thuộc khoa Văn, trường đại KHXH&NV Hà Nội xung quanh nhận định này.

Mở đầu cuộc trao đổi cùng Người đưa tin, PSG Trần Nho Thìn khẳng định: "Điều này không có gì lạ. Xưa nay mọi người đều biết Nguyễn Trãi là người viết thay Lê Lợi theo lệnh của Lê Lợi. Chính vì viết thay nên Nguyễn Trãi xưng "ta", (theo chữ Hán là "ngã"), đó là điều dễ hiểu. Thông tin này không có gì mới, trong Đại Việt sử kí toàn thư do Ngô Sĩ Liên viết đã nhắc đến vấn đề này. Chúng ta biết rằng, Ngô Sĩ Liên khởi thảo Đại Việt sử kí toàn thư năm 1479, chỉ sau sự kiện thắng quân Minh hơn 50 năm (1427). Trong tác phẩm đã ghi rõ: “Khi quân Minh rút thì vua Lê Lợi sai văn thần Nguyễn Trãi soạn Bình Ngô đại cáo. Vì vua Lê Lợi sai soạn nên tư tưởng, ý đồ có thể của Lê Lợi nhưng văn chương là của Nguyễn Trãi”.


PGS chuyên ngành Văn học trung đại này còn đưa ra một chứng cứ khác là câu chuyện về Lê Quý Đôn trong Tang thương ngẫu lục của Phạm Đình Hổ: "Trong tác phẩm này, Phạm Đình Hổ có ghi lại một giai thoại rất hay về nhà bác học thế kỉ XVIII Lê Quý Đôn như sau: "Trong năm Cảnh Hưng (Niên hiệu của Lê Hiển Tông dùng từ năm 1740-1786), triều đình sai làm lại sổ sách về đất đai của dân, nhân thể, cũng muốn rút bớt ân trạch đối với những công thần khai quốc thuở trước. Khi xem đến đạo sắc ban cho Nguyễn Trãi, quan Hộ Bộ Thị Lang là Bảng Nhãn Lê Quý Đôn liền xé đi và nói: Đây là loạn thần tặc tử, còn giữ đạo sắc làm gì? Nói chưa dứt lời thì tự dưng ông liền bị ngất lịm đi và trong cơn mơ màng thấy vị quan lớn ấy ngồi trên sập, đầu đội mũ cánh chuồn, mình mặc áo thêu kim tuyến ngũ sắc, hai bên chỗ của quan lớn ngồi có người hầu, tả hữu rất uy nghiêm. Lính giải ông Bảng Nhãn Lê Quý Đôn vào, bắt quỳ xuống dưới thềm. Vị quan ngồi trên sập quát lớn:


Tế Văn Hầu (Tước vị của Nguyễn Trãi - PV) chính là ta đây. Ngươi chỉ là một kẻ tiểu sinh mới học, sao dám xúc phạm đến bậc bề tôi khai quốc công thần. Tội ngươi đáng chết, không thể tha thứ. Đường công danh sự nghiệp, hẳn nhiên ta không thèm sánh với ngươi. Ta vẫn biết ngươi thường tự kiêu là tay giáp bảng, vậy ngươi hãy về mà đọc lại bài Bình Ngô đại cáo của ta, nếu ngươi viết được hay hơn thì được quyền xé đạo sắc của ta, ta không bắt lỗi. Khi tỉnh dậy, Bảng Nhãn Lê Quý Đôn liền vội viết trả đạo sắc như cũ. Tôi nhắc lại chuyện này để khẳng định, vấn đề này đã được đề cập đến từ rất lâu rồi, không có gì mới".


Còn về sự kiện khởi nghĩa Lũng Nhai năm 1416, ông phân tích sự kiện này quá xa so với sự kiện chiến thắng quân Minh năm 1427, thậm chí không ăn nhập gì cả. Ông cũng cho biết: "Hiện nay, thời điểm Nguyễn Trãi tham gia cuộc kháng chiến chống quân Minh với Lê Lợi lúc nào người ta cũng chưa xác định rõ nhưng chắc chắn ông có tham gia làm văn thần, mưu sĩ cho Lê Lợi".
Vị PGS này cũng đưa ra phương pháp để giải quyết vấn đề. Ông nói: "Cần phải căn cứ vào sử liệu gốc, mà sử liệu gốc để lại là Đại Việt sử kí toàn thư. Chính Đại Việt sử kí toàn thư là văn bản gốc và tác phẩm chính sử này ghi chép thế nào thì tôi đã nói ở trên. Nếu xét bản gốc là bản do chính tác giả viết thì tìm đâu ra? Chính Truyện Kiều cũng chỉ còn bản in gần 50 năm sau khi Nguyễn Du qua đời. Vì Nguyễn Du mất năm 1820, văn bản sớm nhất người ta tìm được là bản in năm 1867".    
Thanh Xuân

2 nhận xét:

  1. Kẻ hậu sinh ít học như tui chỉ dám có một lời này: Phàm các vị đã là "tiến sĩ" đôi khi cũng muốn có sandal để hậu thế nhớ mình, nhưng dám mang cụ Nguyễn Trãi ra giỡn mặt như thế coi chừng đêm ngủ sẽ như Bảng Nhãn Lê Quý Đôn đấy nhé.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hahahaha biết đâu lại bị cả cụ Nguyễn Trãi lẫn bảng nhỡn LQĐ kéo cẳng vì cái tật nói ..xạo !!! :)

      Xóa